Bởi, đây chính là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn nhất, khi tạo hóa ban cho cấu tạo địa chất đặc biệt. Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, ngoài hệ thống núi đá tai mèo đặc trưng hùng vĩ của Cao nguyên đá, Hà Giang còn có những hệ thống hang động có vẻ đẹp hùng vĩ đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của du khách gần xa…
Hang Rồng nằm trên địa phận thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia tháng 9/2014. Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi trên tuyến đường du lịch Cao nguyên đá, hang Rồng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo. Bước vào trong hang, bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa. Với đặc điểm là núi đá vôi, trải qua hàng nghìn năm kiến tạo, những giọt nước trên trần hang nhỏ xuống đã tạo nên vô vàn nhũ đá đẹp, lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt. Bên cạnh đó, trong hang còn có rất nhiều dạng kiến tạo của nhũ đá với nhiều dạng cột nhũ, măng nhũ với những hình thù độc đáo, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách… Bao quanh khu vực hang Rồng còn có một hệ sinh thái rừng phong phú với những núi đá tai mèo đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Bên cạnh đó còn có những nương ngô xếp đá theo lối canh tác thổ canh hốc đá truyền thống của đồng bào Mông nơi đây càng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho danh thắng này.
Hang Rồng được tạo nên bởi nhiều hệ thống hang động nhỏ và qua khảo sát thực tế trong hang thấy xuất hiện nhiều nhũ đá do tạo hóa thêu dệt nên, với các hình thù khác nhau, như: Chùm đèn pha lê, tượng Phật, chùm khế, vòi con Bạch tuộc, những chú cá Sấu… có cấu trúc thành khối, hình dạng giống san hô, đã được người dân thôn Tả Lủng B gìn giữ, bảo vệ tốt trong nhiều năm qua. Hang được cấu tạo hoàn toàn từ đá vôi và thực chất đây là hai hang động nằm gần nhau bởi giữa hai hang không có đường thông nhau; liên thông với bên ngoài bằng hai cửa hẹp mới xuất lộ trong thời gian gần đây. Lòng hang có dạng mái vòm rộng và cao, nhũ đá xuất hiện dày đặc ở khắp thành và trần hang, nhiều cột nhũ kéo từ trần hang xuống tới nền. Trong lòng hang quá trình tạo nhũ vẫn đang tiếp diễn do nước từ trên mặt đất ngấm qua thành hang nhỏ xuống. Hang Rồng 1 là một khoang rỗng hình thành do sự bào mòn của dòng nước ngầm thấm qua các kẽ đá và lối vào hang nhỏ chỉ vừa một người chui qua. Vào tới trong hang, du khách sẽ được khám phá những mảng nhũ đá lớn nối liền từ trần hang xuống nền tạo thành bức tường nhũ chia cắt lòng hang thành 4 phòng thông nhau bởi lối đi hẹp. Nền hang dốc thoải vào bên trong lòng hang, do nước chảy bào mòn lớp đá vôi trở nên nhẵn mịn, không để lại lớp trầm tích. Cuối của phòng hang này, hai bên thành có sự xuất hiện của những cột nhũ lớn như chống đỡ trần hang, ở đoạn này hang đột ngột đổi hướng đi chếch về bên tay phải. Hang Rồng 2, hay còn được người dân nơi đây gọi là hang Dơi bởi trong hang có rất nhiều dơi sinh sống. Hang có hai cửa vào nằm cách nhau 5m, cả hai cửa vào đều nhỏ chỉ đủ để từng người đi qua. Lòng hang dốc xuống về cuối hang, khu vực gần cửa vào lớp trầm tích và phân dơi phủ kín nền hang. Đoạn cuối của hang là một khe thoát nước có độ dốc lớn, nền hang trơn nhẵn, không có nhũ đá, trần hang có ít nhũ, lòng hang hiện tại còn chưa khảo sát được do hang đi sâu xuống lòng đất, độ dốc lớn chưa có phương tiện khảo sát…
Cùng với các hệ thống hang trên địa bàn Cao nguyên đá Đồng Văn như hang: Khố Mỉ (Quản Bạ), Nà Luông (Yên Minh)…, hang Rồng (Mèo Vạc) nằm ở vị trí giao thông thuận lợi trên tuyến đường du lịch Cao nguyên đá Hà Giang. Và, tới nay du lịch khám phá hang động tại Hà Giang vẫn là một loại hình mới. Việc phát hiện ra hang Rồng với những cảnh quan hang động đặc sắc và nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi, cách huyện lỵ không xa sẽ là t.iền đề mở ra hướng đi mới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, góp phần xây dựng Hà Giang giàu đẹp, văn minh